top of page
Writer's pictureCông Ty Trần Sang

Top 9 ổ đĩa gắn ngoài tốt nhất dành cho máy tính Mac

Updated: Aug 6, 2019


Top 9 ổ đĩa gắn ngoài tốt nhất dành cho máy tính Mac.

Lựa chọn đúng kết nối


Mua một ổ đĩa gắn ngoài cho máy tính Mac cũng tương tự như khi bạn mua một ổ đĩa cho máy tính Windows, ngoại trừ một điều rất quan trọng: các dòng MacBook và MacBook Pro sau này chỉ tích hợp cổng Thunderbolt 3, nhưng sự xuất hiện của những ổ đĩa được trang bị cổng Thunderbolt 3 lại khá ít ỏi. Hầu hết các model hiện nay được thiết kế dành cho nhiếp ảnh gia và nhà biên tập video, những người phải lưu trữ rất nhiều cảnh quay và cần truy cập một cách nhanh chóng. Do đó, chúng thường là ổ đĩa SSD hoặc mảng RAID, điều này đồng nghĩa rằng chúng cũng rất đắt tiền. Vậy đối với một người dùng Mac chỉ mong muốn sao lưu dữ liệu thông qua Time Machine thì sao? Hãy đọc tiếp phần bên dưới để có câu trả lời, cùng với đó là những thắc mắc khác về việc lưu trữ gắn ngoài trên máy tính Mac.


Hệ thống tập tin mới


Thunderbolt 3 và USB-C là những cải tiến mới nhất trong thị trường lưu trữ gắn ngoài, nhưng trước khi dùng đến chúng, chúng ta cần nắm rõ một yếu tố cơ bản của ổ cứng mà nó luôn ảnh hưởng đến tính tương thích, đó là hệ thống tập tin. Hệ thống tập tin của ổ đĩa gắn ngoài là yếu tố quan trọng nhất xác định việc nó có thể hay không thể được đọc bởi máy tính Mac, Windows hoặc cả hai. Kể từ cuối những năm 1990, Apple đã sử dụng hệ thống tập tin Mac OS Extended, thường được viết tắt là HFS+, để cung cấp trên máy tính xách tay và máy tính để bàn của công ty. Nhưng năm nay, với sự ra mắt của hệ điều hành macOS High Sierra, Apple đã thay đổi hoàn toàn sang một định dạng tập tin mới. Nó được gọi đơn giản với cái tên Apple File System, và đây là định dạng đầu tiên được sử dụng trên máy tính Apple cũng như hệ sinh thái iOS như iPad, iPhone, iPod, Apple TV và Apple Watch.


Có nhiều lợi ích khi chuyển từ HFS+ sang Apple File System, như khả năng bảo mật tốt hơn nhờ tính năng mã hóa chủ động, nhưng điều quan trọng nhất đáng chú ý đối với các tín đồ mua sắm ổ đĩa gắn ngoài đó là nó cho phép tương thích ngược. Nói cách khác, bất kỳ ổ đĩa nào được định dạng HFS+ (gồm hầu hết ổ đĩa Mac trên thị trường hiện nay) sẽ hoạt động tốt trên máy tính Mac đang chạy macOS High Sierra.


Tuy nhiên, Apple File System và HFS+ đều không hoạt động trên môi trường Windows. Nếu bạn có ý định sử dụng ổ đĩa gắn ngoài để chạy trên cả hai hệ điều hành máy tính, bạn nên cân nhắc định dạng ổ đĩa bằng hệ thống tập tin exFAT. Microsoft giới thiệu exFAT khoảng một thập kỷ trước, có nghĩa là nó vẫn còn tương đối mới. Bạn sẽ không có được khả năng bảo mật và tính hiệu quả của Apple File System, nhưng bạn sẽ thuận tiện trong việc truyền dữ liệu qua lại giữa Windows và macOS.


Cuối cùng, lưu ý rằng bạn có thể dễ dàng định dạng lại bất kỳ ổ đĩa nào đã mua, vì thế bạn không bị hạn chế khi mua một ổ đĩa chỉ dành riêng cho Mac. Nếu muốn định dạng ổ đĩa để sử dụng trên Windows (thường ở định dạng NTFS), bạn có thể dùng Disk Utility trên macOS để định dạng lại nó sau khi tải về tiện ích này từ cửa hàng ứng dụng của Apple. Có một vài ngoại lệ trong trường hợp này, nhưng khá hiếm gặp. Ổ đĩa duy nhất mà chúng tôi thử nghiệm gần đây không tương thích với Mac, thậm chí khi nó đã được định dạng, đó là SSD PCIe Akitio Thunder3 dành cho người dùng chuyên nghiệp. Trên Amazon, SSD này có giá 2.138 USD, tương đương 48 triệu đồng. Akitio Thunder3 tích hợp một SSD Intel cực nhanh đi kèm với firmware, đòi hỏi phải có bo mạch chủ của Intel - thứ không thể tìm thấy trên máy tính Mac.


SSD vs HDD


Khi đã giải quyết được vấn đề hệ thống tập tin, bạn phải xác định xem mình cần loại thiết bị lưu trữ nào: ổ đĩa thể rắn (SSD) hay ổ cứng cơ (HDD). Mỗi ổ có ưu khuyết điểm riêng, và không may - khác với hệ thống tập tin - loại ổ đĩa mà bạn mua sẽ theo bạn cho đến lúc nó "về hưu". SSD mang lại tốc độ truy cập nhanh do chúng lưu trữ dữ liệu trong một loại bộ nhớ flash thay vì đĩa từ quay trên HDD. SSD cũng thường nhỏ hơn và nhẹ hơn HDD gắn ngoài nhờ không có bộ phận chuyển động. Kích thước nhỏ hơn nghĩa là SSD có thể nằm gọn trong túi áo hoặc túi quần, khiến chúng trở thành sự lựa chọn hoàn hảo nếu bạn đang tìm kiếm một ổ đĩa gắn ngoài di động để thường xuyên mang theo bên mình. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là SSD khá đắt tiền. Bạn có thể sẽ phải trả trên 30 cent/gigabyte cho một SSD, trong khi với HDD chỉ dưới 10 cent/gigabyte - rẻ hơn nhiều. SSD gắn ngoài cũng có dung lượng thấp hơn nhiều, phần lớn các ổ đĩa này đạt mức 2TB. Với HDD, không khó để tìm kiếm mức dung lượng từ 8TB trở lên.


Đối với nhà làm phim chuyên nghiệp, những người cần phải chỉnh sửa nhiều cảnh quay 4K, và game thủ hoặc những người đam mê phim ảnh có một thư viện dữ liệu lớn chiếm nhiều gigabyte, khi đó mảng RAID gắn ngoài đáng được quan tâm, do nó kết hợp tốc độ và dung lượng khổng lồ của nhiều HDD. Một mảng RAID điển hình thường chứa từ 2 đến 8 HDD, tất cả ổ đĩa này cùng hoạt động giúp nâng cao thông lượng và bảo vệ dữ liệu quý giá của bạn khỏi tình trạng hư hỏng nếu một trong các HDD gặp sự cố. Kết quả là bạn có được tốc độ tương tự SSD, với thông lượng dữ liệu trên 400 MB/s và dung lượng tới 80TB. Dĩ nhiên, cái giá bạn phải trả cũng khá cao. Trên Amazon, thiết bị lưu trữ RAID Promise Pegasus3 phiên bản 4-khay 12TB cho máy tính Mac hiện có giá khoảng 1.400 USD (gần 32 triệu đồng), trong khi phiên bản 8-khay 80TB có giá lên đến 7.259 USD (tương đương 165 triệu đồng).


Mặt khác, nếu bạn muốn mua một ổ đĩa gắn ngoài chủ yếu chỉ để sao lưu dữ liệu (hãy chắc chắn điều này) và bạn thường đặt nó cố định tại văn phòng làm việc, khi đó loại HDD rẻ tiền sẽ vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của bạn.


Tìm kiếm giao tiếp Thunderbolt 3


Ổ đĩa Thunderbolt 3 nhỏ gọn hơn và nhanh hơn (xét cả về mặt vật lý và tốc độ), trong khi ổ cứng cơ có giá thành tốt hơn nhiều mặc dù phải hy sinh tốc độ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn gặp phải một vấn đề khác: kết nối giữa ổ đĩa và máy tính Mac của bạn? Như bạn có thể dự đoán được, câu trả lời là có một sự đánh đổi nhất định. Laptop Mac được bán ra ngày nay chỉ tích hợp USB-C (loại cổng hỗ trợ Thunderbolt 3), kết nối duy nhất hiện diện trên dòng máy tính này. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần đến một adapter để cắm bất kỳ thiết bị nào mà không có cáp USB-C. Cũng may, Thunderbolt 3 thông qua USB-C hỗ trợ thông lượng cao lên đến 40 Gb/s, gấp đôi so với tốc độ của chuẩn Thunderbolt 2 cũ và gấp nhiều lần tốc độ 5 Gb/s của USB 3.0. Không may là bạn sẽ không tìm thấy nhiều ổ đĩa tương thích Thunderbolt 3 trên thị trường hiện nay. Thậm chí một số ổ đĩa dành riêng cho máy tính Mac vẫn được bán với kết nối USB 3.0. Ngoài ra, ổ đĩa Thunderbolt 3 mà bạn mua có thể bị hạn chế bởi thông lượng tối đa của chính bản thân ổ đĩa lưu trữ ở bên trong, chứ không phải giao tiếp Thunderbolt 3. Chẳng hạn như những SSD nhanh nhất mà chúng tôi thử nghiệm gần đây cho tốc độ tối đa khoảng 600 MB/s.


Điều này có nghĩa là thật tốt khi bây giờ quyết định mua ổ đĩa có hỗ trợ Thunderbolt 3 nếu bạn muốn đón đầu tương lai. Các nhà sản xuất như Apple tặng kèm cáp USB-C cho những ai sở hữu máy tính xách tay MacBook, giá niêm yết 1.299 USD (gần 30 triệu đồng). Bạn có thể tự trang bị cho mình một bộ chuyển đổi nếu ổ đĩa bạn mua không hỗ trợ loại cổng này. Trong khi đó, iMac, Mac Pro và Mac Mini vẫn còn tích hợp cổng USB 3.0, do đó hiện tại chúng sẽ không cần đến các bộ adapter.


Xem xét một vài yếu tố khác


Đôi khi các ổ đĩa dành cho máy tính Windows đi kèm với phần mềm tự động sao lưu dữ liệu vào ổ đĩa khi chúng được kết nối, nhưng phần mềm này không thực sự cần thiết đối với người dùng Mac, hệ điều hành này tích hợp một tùy chọn sao lưu tuyệt vời bên trong công cụ Time Machine. Lần đầu tiên khi bạn cắm ổ đĩa gắn ngoài vào máy tính Mac, Time Machine sẽ yêu cầu bạn có muốn dùng nó làm ổ sao lưu hay không. Bạn cũng có thể tùy chỉnh các lựa chọn sao lưu trong System Preferences, chẳng hạn như yêu cầu Time Machine loại trừ những thư mục nhất định; còn nếu bạn ưng ý với các thiết lập mặc định, bạn không cần phải làm gì thêm. Lần sau, khi bạn cắm ổ đĩa vào, Time Machine sẽ tự động tiến hành tạo sao lưu.


Nếu ổ đĩa của bạn thường không được đặt cố định tại nhà hoặc văn phòng, bạn cũng nên xem xét đến độ bền của nó. Những ổ đĩa trông cứng cáp, chống thấm nước là sự lựa chọn tốt không chỉ dành cho các tay đua xe đạp BMX và vận động viên lướt sóng do tính chất công việc, mà còn dành cho những ai cần mang ổ đĩa ra vào lớp học hoặc công sở, nơi thỉnh thoảng ổ đĩa bị ngã hoặc rơi xuống mặt sàn.


Sau cùng, có lẽ bạn sẽ muốn xem ổ đĩa của mình trông như thế nào khi cắm nó vào máy tính Mac. Một số ổ đĩa mang màu sắc khá đa dạng, một số khác có vỏ được làm bằng nhôm và kiểu dáng công nghiệp để phù hợp với thiết kế của MacBook hoặc iMac của bạn.


Dưới đây là top 9 ổ đĩa gắn ngoài tốt nhất dành cho máy tính Mac theo các tiêu chí lựa chọn của chúng tôi:


1. HDD gắn ngoài CalDigit Tuff

Giá bán trên Amazon: 179,99 USD (hơn 4 triệu đồng).


HDD gắn ngoài CalDigit Tuff.

- Ưu điểm: Vẫn hoạt động sau khi thả rơi từ độ cao 1,2m. Khả năng chống nước và chống bụi. Được tặng kèm hai loại cáp USB 3.0 và USB-C.

- Khuyết điểm: Thời hạn bảo hành chỉ có 2 năm. Tùy chọn SSD vẫn chưa được công bố.

- Đánh giá: Không những là một ổ đĩa cứng cáp được thiết kế để tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt, CalDigit Tuff còn mang lại giá trị tuyệt vời.


2. HDD gắn ngoài LaCie 5big Thunderbolt 2

Giá bán trên Amazon: 2.998,95 USD (khoảng 68 triệu đồng).


HDD gắn ngoài LaCie 5big Thunderbolt 2.

- Ưu điểm: Hỗ trợ các cấp độ RAID 0, RAID 1, RAID 5, RAID 6 và RAID 10. Cho phép thay nóng (hotswap) ổ đĩa trong một số cấu hình nhất định. Tốc độ cao phù hợp cho việc biên tập video 4K.

- Khuyết điểm: Không có cổng USB-C / Thunderbolt 3 hoặc USB 3.0.

- Đánh giá: LaCie 5big Thunderbolt 2 là hệ thống ổ đĩa gắn ngoài mạnh mẽ, có khả năng lưu trữ lên đến 40TB dữ liệu cá nhân và hơn 1PB khi kết nối nhiều thiết bị lại với nhau. Tuy nhiên nó có giá thành khá cao và thiếu đi cổng USB.


3. HDD gắn ngoài Western Digital My Book

Giá bán trên Amazon: 184,99 USD (tương đương 4,2 triệu đồng).


HDD gắn ngoài Western Digital My Book.

- Ưu điểm: Có nhiều mức dung lượng lớn khác nhau. Thời hạn bảo hành 3 năm.

- Khuyết điểm: Đòi hỏi phải có adapter nguồn gắn ngoài.

- Đánh giá: Dung lượng 8TB với giá chưa tới 200 USD, Western Digital My Book phiên bản 8TB là ổ đĩa gắn ngoài có giá hết sức phải chăng cho nhu cầu lưu trữ cá nhân của bạn.


4. SSD gắn ngoài LaCie Bolt3

Giá bán trên Amazon: 1.998,95 USD (hơn 45 triệu đồng).


SSD gắn ngoài LaCie Bolt3.

- Ưu điểm: Tốc độ cực nhanh. Kèm cáp Thunderbolt 3. Có thể tạo chuỗi xích (daisy-chain) với các thiết bị ngoại vi khác thông qua cổng USB-C / Thunderbolt 3, đồng thời cho phép cấp điện sạc nhanh máy tính xách tay.

- Khuyết điểm: Chế độ tương thích với Thunderbolt 2 đòi hỏi phải có adapter nguồn gắn ngoài (không được kèm theo). Không có cổng USB 3.0.

- Đánh giá: LaCie Bolt3 2TB là ổ đĩa SSD gắn ngoài nhanh nhất mà chúng tôi từng thử nghiệm. Với ổ đĩa này, việc biên tập và xuất video 4K đều nằm trong tầm tay bạn, nhưng hãy chuẩn bị chi tiền bởi giá của nó khá cao.


5. SSD gắn ngoài Samsung Portable SSD T5

Giá bán trên Amazon: 699,99 USD (gần 16 triệu đồng).


SSD gắn ngoài Samsung Portable SSD T5.

- Ưu điểm: Tốc độ tuyệt vời. Kèm theo cáp USB 3.0 và USB-C. Thiết kế nhỏ gọn. Tương thích với hệ điều hành Mac, Windows và Android.

- Khuyết điểm: So với những ổ đĩa gắn ngoài khác, nó có giá thành trên mỗi gigabyte khá cao.

- Đánh giá: Samsung Portable SSD T5 có giao tiếp USB-C tốc độ, lưu trữ đáng tin cậy và bạn dễ dàng bỏ nó vào trong túi như một chiếc thẻ tín dụng nhưng ngắn hơn một chút.


6. HDD / SSD gắn ngoài CalDigit AV Pro 2

Giá bán trên Amazon: 199,99 USD (xấp xỉ 4,5 triệu đồng).


HDD / SSD gắn ngoài CalDigit AV Pro 2.

- Ưu điểm: Giá thành trên mỗi gigabyte tương đối thấp. Hiệu năng truy cập (tốc độ quay) 7.200 vòng/phút. Dễ dàng tháo lắp ổ đĩa. Hỗ trợ giao tiếp Thunderbolt 3.

- Khuyết điểm: Cáp Thunderbolt 3 đi kèm hơi ngắn. Chỉ có một cổng USB-C / Thunderbolt 3 nên không cho phép tạo daisy-chain với các thiết bị ngoại vi khác.

- Đánh giá: Nhắm vào thị trường truyền thông chuyên nghiệp, CalDigit AV Pro 2 là ổ đĩa gắn ngoài cho máy tính Mac mang thiết kế chắc chắn, với hai phiên bản HDD và SSD, tích hợp một hub USB và hỗ trợ Thunderbolt 3.


7. HDD gắn ngoài Promise Pegasus3 R4

Giá bán trên Amazon: 1.382 USD (hơn 31 triệu đồng).


HDD gắn ngoài Promise Pegasus3 R4.

- Ưu điểm: Bộ nguồn được tích hợp bên trong. Ít hoặc không đòi hỏi thiết lập (nếu không tùy chỉnh cấu hình RAID và truy cập các tính năng nâng cao). Hỗ trợ daisy-chain qua Thunderbolt 3 với các thiết bị ngoại vi khác. Tốc độ truyền dữ liệu nhanh.

- Khuyết điểm: Thông lượng kém hơn so với một số ổ đĩa RAID hàng đầu khác.

- Đánh giá: Một trong những tùy chọn mảng RAID gắn ngoài cho Mac, Promise Pegasus3 R4 là sự lựa chọn tốt nếu bạn cần lưu trữ nhiều dữ liệu và muốn truy cập nó một cách nhanh chóng.


8. HDD gắn ngoài Seagate Backup Plus Ultra Slim

Giá bán trên Amazon: 87,99 USD (tương đương 2 triệu đồng).


HDD gắn ngoài Seagate Backup Plus Ultra Slim.

- Ưu điểm: Dung lượng lưu trữ, tốc độ truyền dữ liệu và giá thành tốt. Kèm theo driver NTFS cho máy Mac. Tặng 200GB lưu trữ trên dịch vụ đám mây OneDrive trong vòng 2 năm.

- Khuyết điểm: Chức năng cơ bản. Không có cao su chống trượt ở mặt dưới.

- Đánh giá: Seagate Backup Plus Ultra Slim là ổ đĩa gắn ngoài cung cấp không gian lưu trữ 2TB, tốc độ truyền dữ liệu nhanh, thiết kế siêu mỏng với tầm giá chưa tới 100 USD.


9. HDD gắn ngoài Seagate Innov8

Giá bán trên Amazon: 608,65 USD (khoảng 13,8 triệu đồng).


HDD gắn ngoài Seagate Innov8.

- Ưu điểm: Hỗ trợ kết nối USB-C và kèm theo cáp. Giá thành trên mỗi gigabyte tốt. Bảo hành 3 năm.

- Khuyết điểm: Chỉ có duy nhất một cổng USB-C. Không tương thích với một số máy tính bảng và máy tính xách tay. Cáp USB-C hơi ngắn.

- Đánh giá: Nhắm vào người dùng chuyên nghiệp và những người sở hữu thư viện dữ liệu truyền thông lớn, Seagate Innov8 là ổ đĩa gắn ngoài có dung lượng lưu trữ 8TB và kết nối tốc độ cao thông qua cổng USB-C.


bottom of page